Nhiều loại nông sản xuất khẩu sẽ thuận lợi

Trong tám tháng qua, giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng khá, như giá hạt điều tăng 18,9%, chè tăng 11,2%, hạt tiêu tăng 39,9%, gạo tăng 2,8%...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cũng dự báo trong những tháng cuối năm, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, tiêu, điều... sẽ tiếp tục thuận lợi về giá. Giá gạo sẽ giữ ở mức cao Tại Đồng bằng sông Cửu Long, sau khi lên "cơn sốt" trong tháng Tám thì từ đầu tháng Chín đến nay, giá gạo lại có xu hướng giảm. Doanh nghiệp cũng giảm thu mua gạo khiến nhiều người lo lắng. Ngày 9/9, giá lúa thường dao động 4.900-5.000 đồng/kg, lúa dài 5.300 đồng/kg, lúa thơm 6.100-6.200 đồng/kg... bình quân giảm 300-400 đồng/kg so với tuần trước đó. Giá gạo cũng giảm 200-400 đồng/kg. Hiện gạo thường chỉ còn 6.800 đồng/kg, gạo dài 6.900-7.000 đồng/kg, gạo thơm 7.500-7.600 đồng/kg... Theo Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, lúa hè thu đã vào giai đoạn cuối vụ, sản lượng hiện nay không còn nhiều nhưng giá giảm khiến tâm lý bà con bất ổn. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa gạo giảm nhẹ chỉ là diễn biến nhất thời, dự báo những ngày tới giá sẽ ổn định trở lại. VFA cũng cho biết sở dĩ giá lúa tăng mạnh trong thời gian gần đây là nhờ việc điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt. Nếu như trước đây, bình quân mỗi tháng chỉ giao khoảng 400.000-500.000 tấn gạo nhưng riêng trong tháng Tám, các doanh nghiệp đã giao trên 800.000 tấn gạo theo các hợp đồng xuất khẩu, số lượng cao kỷ lục từ trước đến nay. Dự kiến, tháng 9/2010, các doanh nghiệp tiếp tục giao khoảng 800.000 tấn gạo cho nhà nhập khẩu. Việc tăng cường giao gạo sẽ đẩy giá lúa hàng hóa lên cao. Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA cho biết VFA cố gắng điều hành việc xuất khẩu gạo một cách tốt nhất, nhằm giữ giá lúa hàng hóa từ nay đến cuối năm 2010 ở mức cao, bình quân từ 5.000 đồng/kg trở lên, đảm bảo nông dân có lãi. Đại diện VFA dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới những tháng cuối năm khá lớn bởi nhiều nước bị thiên tai, mất mùa. Do đó, người dân trồng lúa không nên hoang mang lo lắng, tránh tình trạng bán tháo dẫn đến giảm giá gây thiệt hại. VFA khuyến cáo người dân tập trung thu hoạch lúa hè thu thật tốt, đảm bảo chất lượng và chăm sóc chu đáo vụ lúa Thu Đông để cung ứng lượng gạo cần thiết, phục vụ nhu cầu xuất khẩu cuối năm. Giá tiêu xuất khẩu sẽ tăng mạnh Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa cho biết tháng Tám, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 10.000 tấn, nâng tổng lượng xuất khẩu từ đầu năm lên 94.000 tấn với tổng kim ngạch trên 310 triệu USD, giảm gần 3% về lượng, nhưng tăng trên 35% về giá trị so với cùng kỳ 2009. Cuối tháng Tám, giá thu mua hạt tiêu đen trong nước khoảng 74.000-76.000 đồng/kg, tăng 25% so với tháng Sáu; giá hạt tiêu loại tốt lên tới 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá tiêu trong nước đang chững lại, giảm trung bình 2.000-3.000 đồng/kg. Cũng theo Bộ Công Thương, nửa cuối tháng Tám, giá hạt tiêu thế giới giảm nhẹ do các nhà nhập khẩu chờ vụ thu hoạch từ Malaysia và Indonesia, hơn nữa, nhu cầu hạt tiêu của Ấn Độ, thị trường lớn nhất thế giới chững lại. Bộ Công Thương nhận định nguồn cung từ Malaysia và Indonesia hiện không nhiều và giảm so với dự kiến (khoảng 40.000 tấn). Vì vậy, giá tiêu tăng trở lại vào đầu tháng Chín và có thể tăng mạnh vào cuối năm. Năm nay, Việt Nam có thể xuất khẩu 105.000 tấn hạt tiêu. Hạt điều thô tiếp tục tăng giá Trong tháng Tám, hạt điều thô tại Đồng Nai có giá trung bình là 25.500 đồng/kg. Vào ngày cuối cùng của tháng, ngày 31/8, thậm chí giá bán lẻ mặt hàng này đã đạt mức 27.500 đồng/kg, mức giá cao nhất kể từ đầu năm. Vào tháng Tư vừa qua, thời điểm có giá bán lẻ hạt điều thô thấp nhất, mỗi kg hạt điều thô chỉ được bán với giá 18.250 đồng/kg. So với thời điểm này, giá bán trung bình mỗi kg hạt điều tươi trong tháng Tám đã tăng 39,73%. Như vậy từ đầu năm đến nay giá hạt điều thô đang duy trì mức tăng ổn định.

Bộ Công Thương dự báo từ nay đến cuối năm, giá hạt điều trong nước vẫn tiếp tục tăng do ảnh hưởng từ sự tăng giá của hạt điều thế giới và do việc đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.