Xuất khẩu nông sản đầu năm 2011

Trước những thuận lợi từ thị trường thế giới, năm 2011 được cho là năm khả quan đối với hàng nông sản nước ta.

Dự kiến, năm nay, ngành này sẽ đạt kim ngạch tương đương hoặc có thể cao hơn so với cùng kỳ.

Có thể thấy, thị trường thế giới đang tạo thuận lợi lớn cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá nông sản, lương thực và nhu yếu phẩm trên thế giới tăng cao chưa từng thấy kể từ năm 1990 tới nay và chưa có dấu hiệu đảo ngược. Chỉ riêng trong tháng 1/2011, giá lương thực tăng 3,4% so với tháng 12/2010. Từ tháng 5/2010 đến nay, giá lúa mỳ, ca cao tăng 6%. Riêng giá cà phê tăng 30% trong cùng thời kỳ. Cũng theo FAO sản lượng tiêu thụ lúa gạo toàn cầu trong niên vụ 2011 sẽ tăng khoảng 420 nghìn tấn, đạt mức cao kỷ lục 453 triệu tấn. Trong khi đó, dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2011 ở mức khoảng 30,3 triệu tấn, tăng 1% so với năm trước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, trong năm nay mặt hàng nông sản sẽ có nhiều khởi sắc cả về số lượng, mặt hàng và giá bán. Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 1/2011, kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt 100.000 tấn, trị giá 175 triệu USD tăng 13,2% về giá so với cùng kỳ.

Dự kiến năm nay kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ đạt 2 tỷ USD (năm 2010 là 1,763 tỷ USD). Ngoài ra, giá xuất khẩu cao su đã vượt 100 triệu đồng/tấn (gần gấp đôi so với giá cùng kỳ). Tháng 1/2011, cả nước xuất khẩu 70.000 tấn cao su, thu 250 triệu USD, tăng 28,8% về lượng và 82,8% về giá so với cùng kỳ. Do sức mua trên thị trường thế giới tăng cao, khả năng kim ngạch xuất khẩu cao su có thể thu về 3 tỷ USD (năm 2010 chỉ đạt 2,3 tỷ USD).

kim ngạch xuất khẩu gạo cũng đạt 200 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ. Đồng thời vừa qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam còn tổ chức thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm giữ ổn định giá lúa gạo trong nước tại vụ đông xuân năm nay. Ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam- còn dự báo, thị trường gạo thế giới năm nay sẽ không có khó khăn lớn. Dự kiến, xuất khẩu gạo trong quý I/2011 sẽ đạt 1,6 triệu tấn và có thể xuất 2,24 triệu tấn trong quý II/2011.

Hạt điều cũng đang được giá trên thị trường nước ngoài. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, tháng 1/2011, cả nước xuất khẩu được 13.000 tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu đạt 95 triệu USD, giảm 0,8% về lượng và tăng 33,9% về trị giá so cùng kỳ năm trước, với giá xuất khẩu bình quân đạt 7.300 USD/tấn.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp nông sản, tình trạng thiếu nguyên liệu, lãi suất ngân hàng tăng cao đang là trở ngại lớn đối với ngành này. Ông Nguyễn Thái Học- Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas)- cho biết, ngành điều đang phải đối mặt với việc thiếu nguyên liệu đầu vào cho chế biến xuất khẩu (khoảng 54,3%), thiếu lao động khâu chế biến điều, sản phẩm chưa đa dạng, thị trường trong nước yếu, chi phí chế biến tăng 10% (khoảng 1.100 USD/tấn điều nhân), lãi suất ngân hàng ngày càng tăng (hơn 18%/năm), tình trạng thiếu điện, cắt điện, diễn ra nhiều đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa và thường cắt điện vào ngày thường dẫn đến việc tăng chi phí, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, giao hàng cho khách.

Cùng với mục tiêu để ngành điều giữ ở vị trí số 1 về xuất khẩu điều của thế giới với kim ngạch đạt 1,4 -1,5 USD trong năm 2011 (tăng trưởng khoảng 32% so năm 2010), ông Nguyễn Thái Học cho rằng, năm nay Việt Nam cần nhập khẩu 450.000 tấn điều thô nguyên liệu, bằng 120% sản lượng điều trong nước trồng được (năm 2010, lượng điều thô nhập khẩu hơn 404.000 tấn, chiếm hơn 54,3% tổng lượng điều thô đưa vào chế biến). Còn theo ông Lê Tấn Minh, Trưởng phòng kế toán- xuất nhập khẩu Công ty CP thương mại- dịch vụ- du lịch XNK Mỹ Lệ: Công ty đã có kế hoạch thu mua 10.000 tấn hạt điều thô để chế biến xuất khẩu 2.000 – 3.000 tấn hạt điều nhân. Tuy nhiên việc thu mua gặp không ít khó khăn vì hiện tại Mỹ Lệ mới chỉ huy động được khoảng 300 tỷ đồng cho việc này.

Không riêng ngành điều, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đang phải chịu cạnh tranh của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi doanh nghiệp Việt vốn ít, vay vốn ngân hàng rất khó khăn nếu được vay bằng nội tệ thì phải chịu lãi suất 17-19%, vay bằng USD thì lãi suất 6,5 tới 7,5%, trong khi doanh nghiệp nước ngoài vay vốn ở ngoại quốc với lãi suất 4,5-5%/một năm. Như vậy, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sẽ thuận lợi hơn trong việc thu mua nông sản của nước ta- giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chia sẻ.

Theo Báo Công Thương