Con đường xuất khẩu lao động lắm gian nan nhưng ...!?(Ngày: 23/04/2014)

Con đường dẫn vào thôn Phong Triều, xã Nam Triều (Phú Xuyên) được đổ bê tông sạch đẹp. Hai bên đường làng là những ngôi nhà ba, bốn tầng khang trang, hiện đại mang vóc dáng phố thị...

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng Phong Triều, ông Phạm Viết Chính, cán bộ xã Nam Triều tự hào nói, tuy là xã thuần nông, nhưng người dân nơi đây luôn năng động, sáng tạo để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Toàn xã có hơn 6.700 nhân khẩu, gần 2.000 hộ gia đình, thì thôn Phong Triều chiếm 2/3 số đó. Năm 2013, thu nhập bình quân của xã là 16 triệu đồng/người, thì Phong Triều đã đạt 18 triệu đồng/người và có đến 40% hộ dân trong thôn xây được nhà cao tầng. "Bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống người dân được nâng cao, tất cả là nhờ đi xuất khẩu lao động" - ông Chính cho biết.  Đến thăm xưởng cơ khí của anh Phan Viết Thành ở thôn Phong Triều, chúng tôi được biết đây là cơ ngơi anh xây dựng từ số tiền tích cóp được sau đợt đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) về. Năm 2005, anh vay ngân hàng, người thân và bạn bè được gần 200 triệu đồng để làm thủ tục, học tiếng đi lao động tại Hàn Quốc. Sang nước bạn, do có sẵn nghề cơ khí nên anh được tiếp cận công việc ngay. Sau 27 tháng làm việc ở Hàn Quốc, trở về Việt Nam anh đã trả hết nợ và tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng. Với số vốn này, anh mở xưởng cơ khí, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 10 đến 15 lao động, mức thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng. Hiện xưởng cơ khí của anh sản xuất nhiều mặt hàng: Cửa hoa, cửa xếp, cửa khung nhôm kính... Từ năm 2013 đến nay, anh chế tạo thêm một số loại máy phục vụ bà con trong xã sản xuất nông nghiệp như: Máy tải lúa, máy làm vườn, máy làm đất mini và máy gieo mạ khay. Vụ đông xuân vừa qua, anh đã ký hợp đồng với UBND xã Nam Triều sản xuất 11 máy gieo mạ khay, mỗi máy có giá 4 triệu đồng, chỉ bằng một nửa so với giá bán ngoài thị trường, nhưng lại cùng công năng và đạt tiêu chuẩn cho cấy máy. Hiện tại, máy gieo mạ khay và máy tải lúa của anh đã được một số xã trong huyện Phú Xuyên tìm đến đặt hàng... 

Anh Phan Viết Thành kiểm tra máy tải lúa trước khi giao cho khách hàng.

Cũng thành đạt như anh Thành, ở Phong Triều còn có các anh Trần Quốc Thanh, Phạm Ngọc Thượng sau khi đi lao động tại Nhật Bản trở về, có vốn đã mở công ty xây dựng tại địa phương, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều người dân trong xã. 

Ông Phan Cao Lạc, Chủ tịch UBND xã Nam Triều cho biết, cả xã hiện có hơn 300 người đi XKLĐ thì thôn Phong Triều có tới 250 người; vào thời điểm năm 2009, thôn này có tới gần 400 người đi XKLĐ, chủ yếu sang Malaysia, Dubai, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, một số ít đi Nhật Bản, Đức, Pháp. Hằng tháng, mỗi người gửi về quê từ 500 đến 1.500 USD, tùy từng thị trường và công việc. Số tiền đó được các gia đình trả nợ ngân hàng, xây dựng nhà cửa, gửi tiết kiệm... Những hộ gia đình có người đi XKLĐ có nhu cầu vay vốn ngân hàng đều được các cấp hội, đoàn thể trong xã đứng ra bảo lãnh, giúp đỡ. "Điều đáng quý là khi trở về địa phương, nhiều lao động đã đóng góp một phần tiền kiếm được chung tay xây dựng quê hương như: Nâng cấp đường làng, ngõ xóm, các công trình phúc lợi, công cộng... Một số người mở công ty, xưởng sản xuất tại quê, giải quyết việc làm và có thu nhập ổn định cho nhiều người trong thôn, trong xã..." - ông Lạc cho biết. Cũng theo ông Lạc, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Nam Triều luôn khuyến khích thanh niên trẻ đi XKLĐ, coi đây là giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân và là động lực để kinh tế - xã hội của xã Nam Triều ngày càng phát triển.

Theo hanoimoi